Đăng nhập
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 65
  • Trong tuần: 2421
  • Tất cả: 744732
“Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”

Hiến máu là một nghĩa cử nhân đạo và cao đẹp. Nó không chỉ giúp ích cho người được truyền máu mà còn tốt cho sức khỏe người hiến tặng.

1. Tạo trạng thái tinh thần tích cực, tâm lý thoải mái

Nhiều nghiên cứu về xã hội học, tâm lý học đã khẳng định, việc hiến máu có thể giúp người hiến máu có những trải nghiệm tâm lý và tinh thần thú vị, có lợi cho sức khỏe:

- Có cảm giác tự hào và hạnh phúc vì đã cứu được người khác

 - Giúp người hiến máu “trẻ hóa” tâm hồn: Với những người trung niên trở lên, những phản ứng tâm lý tích cực khi tự nguyện hiến máu thường xuyên giúp họ cảm thấy dồi dào sinh lực, hồi sinh hoặc tái sinh.

- Tự tin vào sức khỏe của bản thân: Hiến máu là biểu hiện chứng tỏ sức khỏe tốt, chất lượng máu tốt. Niềm tin đó rất có lợi cho người hiến máu.

2. Được kiểm tra, tư vấn sức khỏe, giúp người hiến máu theo dõi và tự giám sát sức khỏe của mình

- Mỗi lần hiến máu, người hiến máu sẽ được kiểm tra sơ bộ về sức khỏe thông qua: khám, đo huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ…; được làm xét nghiệm huyết sắc tố, viêm gan B… Sau khi tiếp nhận, máu được làm 05 xét nghiệm : nhóm máu, viêm gan B, viêm gan C, HIV và giang mai.

- Như vậy, mỗi lần hiến máu là một lần được kiểm tra sức khỏe, giúp cảnh báo và phát hiện những nguy cơ đối với sức khỏe để có biện pháp kịp thời. Đồng thời, với người hiến máu nhiều lần, việc hiến máu sẽ giúp họ tự giám sát sức khỏe của mình.

3. Tăng tạo máu mới

- Mỗi lần hiến máu là cho đi một phần máu trong cơ thể như: hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, đường huyết, cholesterol, sắt, kali,… giúp thanh thải và giảm gánh nặng cho cơ thể do dư thừa các sản phẩm thoái hóa tế bào máu.

- Việc hiến máu còn là “sức ép” cho cơ thể sinh máu mới, nhất là hồng cầu để bù cho máu đã mất, kích thích tủy xương sinh máu.

 Như vậy, hiến máu giúp cơ thể và tủy xương “tập dượt”, có phản xạ để huy động năng lượng và nguyên liệu, đáp ứng cho quá trình tạo máu, sẽ là thói quen có lợi cho sức khoẻ.

    4. Tác dụng làm giảm quá tải sắt

    -  Mỗi ngày trong cơ thể có khoảng 200 – 400 tỷ hồng cầu chết tự nhiên và được thay thế bằng hồng cầu mới. Lượng huyết sắc tố bị tiêu hủy sẽ giải phóng ra một lượng sắt, một phần tái hấp thu tạo máu mới, một phần thải ra ngoài và một phần tồn tại trong cơ thể, là kho dự trữ.

    - Ở đàn ông lớn tuổi hoặc phụ nữ đã mãn kinh, lượng sắt dự trữ thường cao hơn so với nhu cầu, gây quá tải sắt cho cơ thể. Sắt dư thừa sẽ kích thích quá trình tạo gốc tự do, ô xy hóa cholesterol…

    - Những người có tình trạng quá tải sắt nhẹ hoặc lượng sắt ở mức khá cao, việc hiến máu có thể giúp giảm lượng sắt dư thừa. Người khỏe mạnh bình thường, có thể hiến máu định kỳ 3-4 tháng/lần sẽ giúp cho quá trình thải sắt thuận lợi.

    - Ở những người có hội chứng quá tải sắt (một loại bệnh di truyền gây rối loạn cơ chế chuyển hóa sắt), lượng sắt luôn ở mức cao, gây lắng đọng ở nhiều cơ quan (tụy, gan, thượng thận…), có thể gây tổn hại cho các cơ quan này và gây các bệnh như tiểu đường, bệnh gan, tim mạch... Thống kê cho thấy, ở Anh, tỷ lệ mắc bệnh này là 1/ 300-400 người.

    5. Giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

    - Sự có mặt quá nhiều của sắt trong máu làm thúc đẩy quá trình ô xy hóa cholesterol, sản phẩm của quá trình này lắng đọng ở lớp dưới nội mô mạch máu, làm tăng nguy cơ xuất hiện xơ vữa mạch máu, gây các cơn đau tim và đột quỵ.

    - Một số nghiên cứu cho thấy cơn đau tim và các vấn đề tim mạch khác ít xảy ra ở nam giới đã hiến máu nhiều lần. Các nghiên cứu ở Đại học Kansas (Mĩ) và Đại học Kuopio (Phần Lan) trên 6.500 người đàn ông cho thấy: nhờ việc hiến máu thường xuyên, những người đàn ông và phụ nữ sau mãn kinh đã giảm được 30% nguy cơ xuất hiện các cơn đột quỵ tim mạch so với những người không hiến máu.

    6. Giảm nguy cơ bị ung thư

    Việc cơ thể hấp thụ sắt vượt quá mức nhất định cũng như việc tiêu hủy tế bào máu hằng ngày sẽ thúc đẩy việc hình thành các gốc tự do; các gốc tự do này gây ra các thay đổi trong tế bào, làm phá vỡ chức năng bình thường của tế bào và làm tăng nguy cơ gây ung thư như gan, phổi, đại tràng, dạ dày và phế quản. Nhiều nghiên cứu đang tập trung để làm rõ hơn vấn đề này, nhưng bước đầu đã ghi nhận, tỷ lệ ung thư giảm ở những người hiến máu thường xuyên hơn so với người không hiến máu.

    7. Tăng quá trình đốt cháy calo và giúp giảm cân

    Người ta tính ra rằng, mỗi lần hiến khoảng 450ml máu giúp đốt cháy khoảng 650calo trong cơ thể và giảm lượng cholesterol trong máu. Đây là biện pháp hữu ích trong việc giảm cân ở những người có cân nặng trên mức trung bình của cơ thể.

    8. Mỗi lần hiến máu là một lần gửi máu (miễn phí) vào ngân hàng máu 

Hiến máu là cách người hiến máu gửi vào ngân hàng máu (gửi nguyên liệu – máu thô); khi không may mắn, người hiến máu cần nhận máu, sẽ được bồi hoàn miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Sản phẩm nhận lại là những đơn vị máu hoặc chế phẩm từ máu đã qua xử lý và an toàn cho điều trị.

Hãy tham gia hiến máu khi cơ thể khỏe mạnh, đó là hành động nhân đạo và vừa là cách “bảo hiểm máu” an toàn cho chính sức khỏe của người hiến máu. 

( Dẫn nguồn: https://soctrang.gov.vn/Default.aspx?sname=huyenmytu&sid=1304&pageid=33055&catid=62324&id=331807&catname=Th%u00f4ng+tin+Y+t%u1ebf+-+Gi%u00e1o+d%u1ee5c+%u0111%u00e0o+t%u1ea1o&title=loi-ich-cua-hien-mau)

Nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Ninh Thuận xin giới thiệu toàn văn bức thư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Đồng bào và Chiến sỹ cả Nước nhân nhân ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện – 07/4/2020.

Thưa đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước.

Nhân Ngày “Toàn dân hiến máu tình nguyện”, 7.4.2020, tôi nhiệt liệt biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao nghĩa cử cao đẹp đầy lòng nhân ái, tính nhân văn sâu sắc của những người hiến máu tình nguyện; các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho công tác hiến máu tình nguyện, điều đó thể hiện trách nhiệm, tình cảm của mỗi người đối với cộng đồng, xã hội.

Tôi được biết, trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp trên cả nước với nhiều hoạt động phong phú, cụ thể, thiết thực và thu được những kết quả đáng khích lệ, giúp cho người bệnh kịp thời có máu để điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi, nhiều thời điểm ở các bệnh viện vẫn còn nhiều trường hợp người bệnh phải chờ máu hoặc không đủ máu và sản phẩm từ máu để truyền. Đây là thiệt thòi lớn cho người bệnh cần máu và làm giảm hiệu quả chữa bệnh.

Máu là loại thuốc đặc biệt, máu an toàn chỉ có thể hiến tặng từ chính những người khỏe mạnh, tình nguyện và hiến máu thường xuyên.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào hiến máu tình nguyện phát triển hơn nữa. Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình. Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước.

Thân ái!

Lê Khoa 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin khác
1 2 3 4 5  ...